Gìn giữ tài sản và việc xây dựng cơ sở vật chất trong Giáo Hội

 Trọng kính Đức Tổng Giám mục,

         Kính thưa cha Tổng Đại diện, quý cha quản hạt, quý cha, quý sơ cùng toàn thể quý vị đại biểu tham dự.

Trong tinh thần “Canh tân đời sống Đức Tin” của Công Nghị Tổng Giáo phận Hà Nội mà Đức Tổng Giám mục triệu tập tháng 11 năm nay, mọi thành phần Dân Chúa đang nỗ lực suy tư, lắng nghe và phân định từ khía cạnh cá nhân đến khía cạnh cộng đồng để tìm ra cách thế sống Đức Tin sao cho tốt trong một xã hội hôm nay. Bên cạnh nỗ lực canh tân đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng phải suy nghĩ về việc gìn giữ và xây dựng những phương tiện vật chất để sống Đức Tin và rao giảng Tin Mừng.

Công Đồng Vatican II trong Hiến chế Lumen Gentium số 8 đã định nghĩa: “Chúa Kitô Đấng trung gian duy nhất đã thiết lập Giáo Hội Thánh Thiện, một cộng đoàn đức Tin, đức Cậy, đức Mến, như một cơ cấu hữu hình trên trần gian mà người không ngừng bảo vệ, qua Giáo Hội, Người đổ tràn chân lý và ân sủng cho mọi người. Giáo Hội là tổ chức xã hội theo phẩm trật và là Nhiệm Thể Chúa Kitô, là đoàn thể hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng”.

Vì thế, nói đến tài sản đích thực của Giáo Hội trần thế chính là đời sống Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến của Cộng đoàn Kitô hữu được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trên cuộc lữ hành đầy tràn ân sủng. Thế nhưng vì sống giữa một cuộc sống trần thế, Giáo Hội cũng cần đến những phương tiện hữu hình trần thế để rao giảng Tin Mừng, đó cũng là những tài sản vật chất của Giáo Hội.

Về gia sản thiêng liêng chúng ta đã bàn đến trong các cuộc thảo luận trước, cuộc thảo luận hôm nay chúng ta bàn đến làm thế nào để gìn giữ và xây dựng những cơ sở vật chất để phát triển đời sống Đức Tin.

I. Tài Sản

1. Định nghĩa về tài sản thuộc Giáo Hội và người có trách nhiệm.

Theo Giáo luật 1983, điều 1257 triệt 1 quy định: “Tất cả mọi tài sản thuộc về Giáo Hội toàn cầu, Tòa Thánh hay các pháp nhân công khác trong Giáo Hội, đều là tài sản của Giáo Hội, chúng được quản trị theo các điều luật sau đây, cũng như theo các quy chế riêng của những pháp nhân ấy”. Vì thế chúng ta hiểu các tài sản chung trong giáo phận, giáo xứ, giáo họ đều thuộc về Giáo Hội hoàn vũ. Nhưng những tài sản này được sử dụng tại giáo phận nên theo quy chế riêng của giáo phận.

Theo Directorium của Địa phận Hà Nội[1] (đ. 80; 476-491) định nghĩa tài sản của Giáo Hội bao gồm tài sản của Giáo phận (động sản và bất động sản) nhà chung, chủng viện,  nhà dòng, nhà thờ, nhà xứ, nhà phòng, sổ ghi bí tích, trường giáo lý, nhà mục vụ, cơ sở từ thiện, xã hội thuộc quyền Giáo Hội, các vườn thánh đã làm phép riêng cho những Kitô hữu, những động sản và bất động sản người ta dâng cho Giáo Hội. 

Không kể dòng Giáo Hoàng được miễn trừ, Giáo mục giáo phận hay bề trên giáo phận là đấng bản quyền quản lý chung các tài sản Hội Thánh trong giáo phận của mình. Những tài sản chung của Giáo phận, Bề trên giáo phận có văn phòng quản lý và hội đồng tài chính giúp quản trị. Những tài thuộc các giáo xứ, giáo họ, bề trên giáo phận ủy quyền cho các linh mục chính xứ[2] thay mặt ngài quản trị cùng với hội đồng mục vụ và giáo dân trong xứ.

2. Công việc quản trị tài sản.

Những người có trách nhiệm quản trị phải để ý bảo vệ những di sản tôn giáo, lịch sử, văn hóa nghệ thuật và truyền thống trong giáo phận, giáo xứ, giáo họ,  không được tự ý thay đổi, phá hủy hay làm khác đi những công trình này khi chưa có nghiên cứu, bàn hỏi với cộng đoàn, những người chuyên môn và có phép tỏ tường của bề trên giáo phận.[3] (Ví dụ:  về di sản tôn giáo như một bức tượng có vẻ không quý giá về vật chất, không giá trị mỹ thuật, nhưng lại được giáo dân quý mến vì  từ bao đời vẫn sùng kính cầu nguyện và được nhiều ơn; hay như một bàn thờ đã được cung hiến, một công trình như di tích lịch sử, một công trình có giá trị nghệ thuật cao).

Tài sản ở mỗi giáo xứ, giáo họ (động sản và bất động sản) được bề trên ủy quyền cho các linh mục quản nhiệm giáo xứ quản lý, phải giữ gìn và coi sóc cẩn thận để lo cho công việc mục vụ của địa phương. Linh mục quản nhiệm, với sự cộng tác của HĐMV giáo xứ, giáo họ không được thay đổi, để thất lạc, tự ý mua bán, đổi chác, cầm cố, vay mượn hay cho đi mà không có phép của bề trên giáo phận, đặc biệt là các tượng thờ, đồ thờ, đồ thánh. (vd. Một bàn thờ đã được cung hiến trọng thể, không thể tùy tiện thay đi mà không xin phép).

II. XÂY DỰNG

1. Xây dựng các công trình tôn giáo và mục vụ.

Công việc xây dựng và phát triển các công trình tôn giáo và mục vụ là cần thiết để phục vụ cộng đoàn địa phương phát triển đời sống Đức Tin, nên các công trình xây dựng này thường được giáo dân địa phương đóng góp phần chính, trừ trường hợp ở các giáo điểm truyền giáo và các xứ nghèo cần được kêu gọi giúp đỡ.

Khi xây dựng để hữu ích và khỏi lãng phí, cần tuân thủ một số tinh thần và nguyên tắc cơ bản:

  • Phải quy hoạch tổng thể và có một tầm nhìn xa rộng với tương lai phát triển của địa phương để có một kế hoạch xây dựng từng phần.
  • Công trình phải nhằm đúng mục đích công dụng phục vụ cho cộng đoàn, đúng công năng sử dụng. (vd: Một nhà thờ cho cộng đoàn địa phương chỉ có ít người mà lại xây dựng lớn quá mức cần thiết; một nhà để làm nhà giáo lý phải có những tiêu chuẩn phù hợp cho các lớp giáo lý; một nhà xứ hay nhà giáo sĩ dùng để cha xứ, cha phó và các thầy ở thì phải phù hợp và thuận tiện cho việc sử dụng, một ngôi đền phải hiểu rõ mục đích đền là gì khác nhà thờ thế nào v.v…).
  • Bất cứ công trình nào của Giáo Hội đều mang tính truyền giáo, phục vụ cho mọi người, quy tụ và cổ võ tình huynh đệ như trong một gia đình Hội Thánh để mọi người tới đó như thấy được như trở về ngôi nhà của mình, gần gũi với mình, nên công trình đó phải để phục vụ cho cộng đoàn.
  • Công trình phải đạt được tiêu chuẩn mỹ thuật kiến trúc và kỹ thuật xây dựng, nhất là đặc tính công năng sử dụng riêng của mỗi công trình.

2. Tinh thần phải có khi xây dựng một nhà thờ.

Giáo luật điều 1214 định nghĩa nhà thờ “Được hiểu là một tòa nhà thánh dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, nhà thờ là nơi các tín hữu có quyền vào để thi hành việc thờ phượng Thiên Chúa, nhất là việc thờ phượng công”

Điều 1215: “Nhà thờ chỉ được xây dựng khi có sự đồng ý minh nhiên bằng giấy tờ của Giám mục giáo phận”.

Như thế nhà thờ là hình ảnh phản ánh Giáo Hội và Đức Tin của Giáo Hội, nhưng Nhà thờ cũng “là nhà của Cộng đoàn Kitô giáo địa phương, cộng đoàn Đức Tin và sau là nhà của tất cả những người Kitô hữu tới quy tụ tại đó, cộng đoàn phụng vụ. Bởi vậy nhà thờ xây dựng vừa đủ để phục vụ cho cộng đoàn và phù hợp với cộng đoàn. Nhà thờ cũng là nơi rộng mở cho mọi người, không phải nơi để trưng bày các đồ quý giá đến mức lúc nào cũng phải cửa đóng then cài không dám cho giáo dân vào viếng Mình Thánh và cầu nguyện riêng.

CĐ Vatican II, trong Hiến chế Phụng vụ Thánh số 124 minh định: “Còn về việc xây cất thánh đường cũng phải cẩn thận lo liệu làm sao để xứng hợp với việc chu toàn các hoạt động phụng vụ và giúp các tín hữu có thể tham dự một cách linh động”

Như thế nhà thờ phải tốt và hữu dụng đối với giáo dân tham dự phụng vụ: tốt cho việc hội họp, tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, tung hô, ca hát, di chuyển, đứng, ngồi v.v…; còn đối với thừa tác viên, thì phải tốt để chủ tọa các nghi lễ, công bố Lời Chúa, giảng dạy, cầu nguyện v.v. Ngoài ra nhà thờ còn phải thuận lợi để cử hành các bí tích khác nữa. Nên khi xây dựng phải để ý đến lối kiến trúc, âm thanh, ánh sáng sao cho phù hợp với các mục đích đó.

Ngoài việc tuân thủ kỹ thuật xây dựng, khi xây nhà thờ phải để ý phù hợp với ý nghĩa thần học của Giáo Hội, tinh thần phụng vụ, nghệ thuật thánh.[4] Nhà thờ cũng phải được thiết kế theo chỉ dẫn của quy chế sách lễ Roma điểu 292: “nhằm tìm vẻ đơn sơ trang trọng hơn là vẻ lộng lẫy bề ngoài. Trong việc chọn lựa những vật liệu để trang trí phải lo sử dụng những đồ chân thật và nhằm mục đích giáo dục các tín hữu tăng phẩm giá toàn bộ nơi thánh”.

Trong một cộng đoàn phụng vụ ở nhà thờ, tuy có những phẩm trật và phận vụ khác nhau, mỗi thành phần có chỗ riêng, nhưng phải tạo nên một sự hiệp nhất thâm sâu và sống động, để tỏa sáng lên hình ảnh sự hiệp nhất của Dân Thánh. Làm cho tín hữu như thực sự tham dự và Bàn tiệc thánh và nghi thức phụng vụ chứ không phải như trước đây bàn thờ quá xa vời cách biệt với giáo dân nên chỉ “xem lễ” như trước đây người ta quen gọi chứ không thể “tham dự” như tinh thần của Công đồng Vatican II[5].

Trong thiết kế sắp đặt trong nhà thờ, phải làm nổi bật trên cung thánh: Bàn thờ tế lễ cùng Thánh giá, nến lửa, giảng đài, ghế chủ tế. Đừng quá lưu tâm đến những trang trí phụ rườm rà làm lu mờ đi những biểu tượng chính này.

3. Xây dựng nhà giáo lý, nhà xứ.

Nhà giáo lý là cách chúng ta quen gọi các trường dậy giáo lý, đây là một cơ sở cần thiết sau nhà thờ, là một nơi để truyền giáo, nên phải được ưu tiên xây dựng. Nhà này dùng để mở các lớp học giáo lý cho người lớn trẻ em trong xứ, họ, nên xây và chia lớp học phù hợp với số người sử dụng, tiện nghi phù hợp và an toàn cho người sử dụng.

Nhà xứ là cách quen gọi nhà cho các cha, các thầy phục vụ trong giáo xứ, vì thế có quy mô phù hợp với sinh hoạt của cha xứ và các cha, các thầy, với tiện nghi xứng hợp, đừng quá sang trọng, xa xỉ, cách biệt với đời sống giáo dân trong xứ. Hình thức kiến trúc nhà xứ cũng sao cho phù hợp với đời sống giáo sĩ, thanh nhã, trong trọng nhưng đừng phô trương, cầu kỳ giống như cách người ta xây lâu đài, biệt phủ của đại gia.

Kết luận.

Tài sản của Giáo Hội là những di sản tôn giáo, văn hóa lịch sử, truyền thống, các cơ sở vật chất và các phương tiện để truyền giáo mà các bậc tiền nhân, cha ông chúng ta đã để lại, mọi người trong cộng đoàn đều có trách nhiệm gìn giữ và xây dựng để những tài sản này sinh hữu ích cho đời sống Đức Tin và việc loan báo Tin mừng trên quê hương đất nước chúng ta. Nhưng làm thế nào để xây dựng cho tốt nhưng cơ sở như là những phương tiện loan báo Tin Mừng này, đó là điều chúng ta ước mong có được những chỉ dẫn, quy định cụ thể và quy tắc làm việc thống nhất  trong Tổng Giáo phận Hà Nội, nhờ đó mà đời sống Đức Tin được canh tân như tinh thần Đức Tổng Giám mục kêu gọi khi triệu tập Công nghị Giáo phận.


[1] Luật riêng Địa phận Hà Nội do Đức Cha Chaize Thịnh biên soạn theo tinh thần 2 Công Đồng Bắc Kỳ Kẻ Sặt và Kẻ Sở và Công Đồng Đông Dương 1934 tại Hà Nội.

[2] Các linh mục giám quản hay quản nhiệm cũng có quyền như chính xứ.

[3] Phép tỏ tường được hiểu là giấy phép của bề trên với dấu và chữ ký của ngài.

[4] Quy chế Tổng quát sách lễ Roma 2007, số291; G

[5] Hiến chế Phụng vụ thánh 124

Comments